Cấm

 Nghe đọc truyện cười Online trên Tiktok 

Sở chúng tôi nhiều năm vẫn làm việc trong một ngôi nhà cũ dột nát, ván sàn mục ruỗng, ọp ẹp, gác thượng chuột kêu chí choé suốt ngày. Giữa lúc chúng tôi chán ngán nhất thì đùng một cái được chuyển sang nhà mới, nên ai cũng cảm thấy sướng như tiên. Mặc dù cửa kính bám vôi, sàn nhà vương vãi phôi bào, cám cưa và vữa xi măng, chúng tôi hò nhau xắn tay áo lên cùng nhau lau chùi, dọn dẹp chẳng mấy chốc mà xong. Mọi người xoa tay hả hê sắp xếp chỗ làm việc mới.

Khi chuyển sang chỗ mới không có sự thay đổi nào về nhân sự, duy chỉ có việc thuyên chuyển ngài giám đốc sang một sở khác. Giám đốc mới về thay, trước khi đến sở chúng tôi, đã nổi tiếng là một người hết sức nghiêm khắc

Giám đốc mới là một người cao lêu đêu, khô gầy như que củi. Mái tóc ông cắt ngắn ngủi, ánh mắt nhìn sắc như dao cạo. Có cảm giác như ánh mắt ấy xuyên thủng người cấp dưới.

Bắt đất làm nhiệm vụ, giám đốc ban bố một mệnh lệnh gồm mười bốn mục. Một trong những mục đó có nêu rõ: “Mọi người phải chấp hành nghiêm mọi mệnh lệnh. Tất cả các điều cấm phải thực hiện triệt để nhất.. Chỉ có kỷ luật chặt chẽ mẫu mực mới có thể dẹp tan được dư luận không hay mà dân chúng vẫn truyền khẩu nhau bằng câu ngạn ngữ: “Lệnh cấm ban ra, ba ngày hết thiêng”. Câu nói độc hại này do kẻ thù trong nước đặt ra để làm tê liệt tinh thần cảnh giác của chúng ta.

Sau khi nghiên cứu xong nội dung các mục, tôi và các đồng sự phải ký tên vào dưới bản mệnh lệnh. Vào giờ đầu buổi chiều, bản mệnh lệnh lại được mang đến. Hoá ra, tôi quên không viết chữ “đã đọc” và đề ngày tháng phía dưới. Lập tức chúng tôi hiểu rằng đừng có mà đùa với vị sếp mới của sở. Tiếng dữ đồn xa, chỉ mới nghe thấy sếp ngoài hành lang, chúng tôi đã bắt đầu run lên cầm cập.

Ngài giám đốc mới bắt đầu hoạt động một cách hết sức ráo riết. Hết mệnh lệnh này đến chỉ thị khác tới tấp gửi xưống cho chúng tôi thực hiện. Các tấm biển mới được treo lên dồn dập. Sở đã thuê riêng một người ngoài thành phố vào làm những tấm biển tên này. Chỗ làm việc của anh ta được bố trí ở chân cầu thang, cạnh cửa chính của cơ quan. Vừa mới tới chỗ làm, anh ta bắt tay ngay vào công việc, vì cơ quan khoán gọn tiền công. Ngay cổng cơ quan đã có một biển to bằng đồng ghi đầy đủ tên cơ quan, ngoài ra trên cửa các phòng ban đều đã treo các biển tên rồi, do vậy chúng tôi nóng lòng chờ đợi xem người thợ sẽ làm thêm những biển tên nào.

Gần hết giờ làm việc anh ta đã làm được mười biển tên có cùng một dòng chữ đen trên nền trắng “Cấm ngắt hoa”.

Nhìn thấy những tấm biển này chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Ngôi nhà mới của chúng tôi nằm giữa một khu hoang vắng, khô cằn. Trong khuôn viên cơ quan không nói gì đến hoa mà cả những bụi lúp xúp, cây hoang cỏ dại, tịnh không hề có một thứ gì. Ba ngày liền, người phụ chỉ làm độc mỗi biển tên này. Sang ngày thứ tư mới xuất hiện biển mới “cấm mang theo chó vào công viên”. Thấy thế chúng tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Sân cơ quan chúng tôi được rào bằng dây thép gai. Đất khu vực này rất xấu, lại khô cằn, cỏ không mọc
nổi, đây đó vài ba khóm cúc gai, tầm ma mọc hoang. Vậy công viên ở đâu?

Ngài giám đốc thân chinh chỉ huy việc đặt các biển tên này ở sân cơ quan, ông sửa đi chỉnh lại cho thật ngay ngắn, đẹp đẽ.

Người thợ vẫn mải miết tiếp tục công việc của mình. Lại xuất hiện biển tên mới: “Cấm xe ô tô vào công viên” Cái biển này lại càng kỳ quặc hơn nữa! Hàng rào dây thép gai xung quanh sân chỉ lựa một lối vào đây được mà cấm?

Sáng hôm sau mới thực sự bất ngờ. Dọc theo suốt hàng rào cứ cách ba – bốn mét một lại có một biển tên: “Đề phòng rách quần áo. Cấm không đến gần hàng rào thép gai”.

Cánh nhân viên chúng tôi thi nhau đoán già đoán non ý định của sếp chúng tôi. Một số người cho rằng ông chuẩn bị xây dựng công viên. Số người khác lại nói: “Có mà rỗi hơi trồng hoa ở đây. Còn lạ gì dân xứ mình nữa. Bao nhiêu vườn hoa đều bị nhổ sạch, ngắt sạch rồi”. Số người thứ ba cũng tỏ ra không tán thành nhưng nói nhỏ nhẹ hơn.

Đã mấy tuần trôi qua vẫn không thấy một khóm hoa nào được trồng. Trong khi đó người thợ vẫn tiếp tục làm biển tên. Vào một ngày kia, khi chúng tôi đến làm việc, thấy ở cửa chính treo biển tên “Cấm vào”. Không biết làm gì hơn, chúng tôi đi đến cửa thứ hai, ở đó cũng treo biển tên như thế. Đến cửa thứ ba treo biển tên: “Cấm vào ra cửa này”.

Cả một đám đông nhân viên tụ tập cạnh ngôi nhà cơ quan.

Thế nào các bạn, chúng ta đứng ngoài mãi thế này à? – Có ai đó lên tiếng.

Đành phải leo qua cửa sổ mà vào, – người khác đáp lại, giọng than vãn.

Trèo vào nhà qua cửa sổ là một việc không có gì khó khăn. Một người cúi xuống cho người khác trèo lên lưng, bám bệ cửa mà chui vào, cứ thế lần lượt rồi cũng vào được nhà bằng hết. Nhưng nếu ngày mai sếp lại ra lệnh treo biển cấm trèo lên cửa sổ thì làm thế nào? Không thể chui trong ống thoát nước mà vào được!

Không hơi đâu mà chú ý đến biển cấm, – có ai đó thốt lên – Cứ cửa chính mà vào, thế là xong chuyện!

Tuy nhiên không ai hưởng ứng lời nói đó, mọi người đều sợ ngài giám đốc. Tuần nào chúng tôi cũng phải ký tên vài lần dưới bản mệnh lệnh của ông ấy, do vậy nỗi sợ hãi trước các điều cấm đã ăn sâu vào trí óc chúng tôi.

Chúng tôi sẽ còn đứng vẩn vơ mãi ngoài phố, nếu như không có các đồng sự đã vào được nhà gọi với ra bảo: “Phía sau nhà có một cửa nhỏ. Hãy vào bằng cửa đó”. Chiếc cửa nhỏ xíu trong như cửa chuồng gà dẫn đến tầng trệt. Từ đó chúng tôi đi lên, về các phòng làm việc của mình.

Sau đó mấy ngày ngài giám đốc cho triệu tập chúng tôi ở phòng họp và ngài đã có lời phát biểu khá dài.

“Tất cả mọi điều rắc rối, – ngài giám đốc nói, – đều xuất phát từ sự vi phạm các điều cấm. Trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả ở tình thế khó khăn nhất vẫn cần phải thực hiện nghiêm ngặt các mệnh lệnh. Việc vi phạm mệnh lệnh sẽ làm mất uy tín và phá vỡ kỷ luật của chúng ta”.

Vào thời điểm này, người làm việc cần mẫn nhất trong cơ quan chúng tôi là anh thợ sản xuất các biển tên. Chúng tôi quan sát anh ta làm việc một cách hết sức hào hứng và tò
mò. Thế là lập tức sau đó trên đầu anh ta xuất hiện một tấm biển: “Cấm không được đến gần và trò chuyện, làm xao lãng công việc”.

Trong khi đó thì trong khuôn viên cơ quan bắt đầu xảy ra những việc lạ lùng, thật là khó hiểu. Chẳng hạn như hôm trước vừa treo biển “Cấm chó vào” thì hôm sau loài súc vật này vốn trước kia chẳng hề lai vãng đến khu đất trống của cơ quan chúng tôi làm gì, nay bỗng nhiên dắt díu nhau hàng đàn đến tụ tập, biến khu vực cấm thành nơi hẹn hò tình tự của chúng.

Trên con phố dẫn đến cơ quan chúng tôi, hàng ngày nghe thấy tiếng người gọi chó, và sau mỗi nhân viên của cơ quan thường thấy vài ba chú khuyển bám theo. Hoá ra họ không tiếc tiền mua thịt và xương để nhử chúng vào trong cơ quan.

Thậm chí tôi vốn là người không thích loài súc vật này cũng bắt đầu thay đổi cách nghĩ. Tôi mua các miếng thịt vụn để nhử lấy một vài con theo mình vào chỗ đất trống của cơ quan. Thế nhưng tìm được chó để nhử ngày càng khó hơn. Hình như tất cả chúng đã “du cư” vào sân cơ quan chúng tôi. Ở đây chúng tha hồ đùa giỡn, cắn xé nhau và sủa ầm ĩ vang trời.

Trong một cuộc họp thường kỳ của cơ quan, sếp chúng tôi tuyên bố.

Như mọi người đã biết tôi đã ra lệnh cấm thả chó vào khu vườn của cơ quan. Một số nhân viên chúng ta đã coi thường lệnh cấm này. Nhưng tôi đã biết trước những gì sẽ xảy ra. Quả thực sự tiên đoán đó đã được minh chứng.

Mặc dù đã có lệnh cấm mà chó vẫn vào đầy vườn, vậy thử hình dung xem, nếu không có các biện pháp kịp thời thì việc này còn dẫn đến đâu nữa. Đó, thêm một lần nữa khẳng định sự cần thiết của các lệnh cấm.

Theo như lời ông giám đốc nói, thì suốt đời ông không bao giờ vi phạm những điều cấm. Ông cho rằng đó chính là nguyên nhân đảm bảo cho mọi thành công của ông trong công vụ.

Một thời gian sau, các khóm cúc gai bắt đầu nở những bông hoa nhỏ mầu xanh sẫm. Nhân viên cơ quan kể cả những người xưa nay vốn vẫn cố gắng chấp hành những điều cầm, nay cũng bắt đầu hái trộm loài hoa trước kia không ai để ý đến này. Bàn tay họ bị gai cứa sây sát y như mèo cào.

Cả cơ quan chỉ mỗi mình ông Burkhan, còn ba tháng nữa sẽ về hưu là người duy nhất tránh được sự cám dỗ của hoa cúc dại một thời gian. Ông vốn là người rất yêu hoa và thích trồng hoa ở nhà mình. Nhưng cuối cùng ông không cưỡng lại được sự ham muốn hái hoa cúc dại như mọi người. Một hôm tôi đến sở sớm hơn thường lệ. Từ phòng làm việc nhìn ra cổng cơ quan, tôi bỗng thấy ông Burkhan đang bước vào sân và xăm săm đi tới các khóm cúc dại và tầm ma. Tôi đứng nép vào góc phòng, lăng lẽ quan sát xem ông ấy làm gì. Ông Burkhan đưa mắt đảo quanh vẻ sợ sệt rồi mở cặp lấy đôi găng tay da xỏ vào hai bàn tay và bắt đầu nhỏ những khóm tầm ma.

Đến lúc này tôi mới biết tại sao tay ông không bị xây xước như tay chúng tôi.

Còn sếp của chúng tôi thì vẫn dài giọng:

Giờ thì các ông mới tin rằng tôi cấm hái hoa là đúng. Khi tôi ra lệnh treo biển cấm, có người cười mỉa tôi, cho rằng làm gì có hoa mà cấm hái. Đấy nhé, hoa cúc dại, hoa tầm
ma còn hái trộm, huống hồ nếu có vườn hoa tươi thắm ở đây thì sẽ ra sao!

Chúng tôi chỉ còn biết gật gù phụ hoạ theo sếp. Không ai dám phản đối. Sếp nói đúng.

Đối với cánh nhân viên chúng tôi không thể làm khác được.

Trên là chuyện về biển cấm “Cấm cho chó vào” và “Cấm ngắt hoa”. Còn chuyện về biển cấm “Cấm không đến gần hàng rào dây thép gai, đề phòng phòng rách quần áo” thì như thế này.

Tất cả nhân viên đều bị rách quần, rách áo. Sáng sáng vào giờ đầu làm việc thường có những câu chuyện đại loại như:

Này ông Akhmét, quần ông bị toạc miếng to, nhìn thấy cả quần lót kia kìa.

Vâng, ông Mekhmét, tôi bị hàng rào dây thép gai cào phải… mà tay áo ông hình như cũng bị rách phải không?

Tôi cũng bị dây thép gai cào.

Hai chúng tôi bảo nhau lấy kim băng gài tạm vào các chỗ rách lại, để đến tối về nhà mới vá. Tôi chẳng còn bộ com lê nào lành lặn cả. Cứ mỗi lần nhìn thấy biển cấm với dòng chữ “Cấm đến gần…” là lập tức trong lòng tôi lại sục sôi ý muốn vi phạm điều cấm này bằng được. Và mỗi lần vi phạm, nếu không bị rách áo thì cũng rách quần. Phần lớn các cộng sự của tôi đều nhảy qua hàng rào dây thép gai này. Chỉ có những nhân viên lớn tuổi mới chịu đi theo lối nhỏ len lỏi trong hàng rào. Riêng ông Burkham không chịu đi cùng đường với các bạn già mà lại muốn thử sách nhảy qua được hàng rào, còn người thì bị treo lơ lửng trên không, y hệt như súc thịt nguyên con, treo trong quầy hàng thực phẩm. Khi chúng tôi gỡ ông xuống được, thì quần áo trên người ông không còn mảnh nào lành cả.

Sân cơ quan chúng tôi đáng lẽ phải trồng hoa giờ đây biến thành chỗ để xe nôi trẻ em, xe cút kít, xe đạp chật ních, chó không có chỗ mà chạy. Xe con đến cơ quan làm việc không qua lọt chiếc cổng hẹp, đành đậu thành dãy ngoài phố!

Người thợ làm biển tên vẫn tiếp làm việc. Ngày nào giám đốc cũng nghĩ ra được những bảng cấm mới. Sau tấm biển “Cấm không mở cửa sổ” là những biển mới: “Cấm vào”, “Cấm ra”, “Cấm nhổ bậy”, “Cấm vứt đầu mẩu thuốc lá”, “Người ngoài cấm vào”, “Cấm hút thuốc”, “Cấm hút thuốc”, “Cấm ngồi trên những chiếc ghế này”, “Cấm nói to”, “Cấm chạm vào hộp cầu chì, nguy hiểm”, Cấm ngặt viết vẽ lên tường”.

Số biển tên được sản xuất tăng nhanh với tốc độ khủng khiếp. Chẳng bao lâu sau một nửa, tiếp đến ba phần tư số phòng chúng tôi không được phép sử dụng. Số biển cấm có nội dung kỳ quặc ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Chẳng hạn trên cửa các phòng vệ sinh xuất hiện các tấm biển: “Không có việc cấm vào”. Từ ngày treo biển cấm này, không hiểu sao tất cả các hố xí suốt ngày lúc nào cũng có người ngồi trong. Không rõ tấm biển này do giám đốc ra lệnh treo lên, hay một nhân viên nào đó nghĩ ra trò tinh nghịch này. Trên cửa phòng làm việc của giám đốc có treo năm tấm biển. Một trong số đó có tấm biển “Cấm nhổ bậy”.

Các phòng làm việc của cơ quan đều sáng sủa, nhưng bên trên mỗi bảng công tắc điện đều treo tấm biển “Không bật đèn vào ban ngày”, chính vì vậy mà các bóng điện cứ sáng đều từ sáng cho đến tối và từ tối cho đến sáng. Chúng chỉ không sáng cho đến khi bị chập mạch, cháy bóng. Trên nắp hộp cầu chì có biển cấm “Không chạm vào hộp nguy hiểm”,
thì nhân viên lại càng “tích cực” động chạm vào hộp, ai muốn chọc ngoáy thế nào, lúc nào cũng được. Trên sàn nhà và trên hành lang đầu mẩu thuốc lá vương vãi khắp nơi. Một lần nhìn thấy một ông khách ăn mặc sang trọng nhổ nước bọt ra sàn nhà, tôi liền chỉ lên tấm biển và hỏi với giọng bực bội:

Ông có biết chữ hay không đấy?

Xin thứ lỗi cho tôi, – ông khách đáp với giọng ngượng ngùng. – Tôi chỉ muốn nhử thử một bãi xem thế nào.

Sang tháng thứ ba kể từ khi về nhận chức, ông giám đốc của chúng tôi bỗng nhiên mất tích. Không thấy ông ở nhà cũng như ở cơ quan. Tất nhiên vợ con ông lo quýnh lên. Mãi đến gần tối ngày hôm sau, khi lên khu kho trên tầng hai, ông trưởng phòng kinh doanh mới vô tình phát hiện ra ngài giám đốc bị kẹt ở trên đó. Khu nhà kho rất ít khi có người đến, nhưng ông nghe thấy có tiếng người. Thế là ông vội báo tin cho mọi người biết. Chúng tôi tạm dừng mọi công việc lại, chạy vội lên xem sự thể ra sao. Hoá ra ông giám đốc đi vào hành lang khu nhà kho qua một cái cửa mà trên đó không treo một biển cấm nào. Nhưng khi đi hết hành lang thấy có biển “Cấm không được động vào, nguy hiểm”. Thế là ngài giám đốc tội nghiệp của chúng tôi hết đi tới lại đi lui dọc theo hành lang mà không thể thoát ra ngoài được. Ông thèm thuốc muốn chết, nhưng khổ nỗi trên tường dọc hai bên hành lang đều có treo biển cấm hút thuốc và vất đầu mẩu thuốc lá hoặc diêm ra nền nhà, nên ông đành phải nhịn.

Chúng tôi bắt đầu nói qua cửa kính đóng kín:

Ngài giám đốc, ngài leo lên cửa sổ rồi nhảy xuống. Chúng tôi sẽ căng bạt, đón ngài sẵn ở dưới đất.

Tôi không mở được cửa sổ, – ngài giám đốc trả lời. – Trên cửa sổ có treo biển cấm mở.

Ông còn nói thêm một vài câu gì đó nữa, nhưng không nghe rõ ông nói gì.

Ông ấy nói rằng ở ngoài hành lang có biển cấm nói to. – một nhân viên áp sát tai vào cửa nói với mọi người.

Chúng tôi nghĩ mãi không tìm ra cách nào để cứu ông giám đốc của mình.

Ông ấy thà chịu chết chứ nhất quyết không chịu phạm điều cấm, – một nhân viên vốn hiểu rất rõ người giám đốc của mình, nói:

Nhưng rồi vị giám đốc đã tự tìm ra lối thoát cho mình.

– Hãy bảo người thợ làm ngay biển tên “Lối ra không cấm”, – ông ra lệnh khe khẽ.

Mệnh lệnh được thực hiện, rất nhanh chóng. Chúng tôi chuồn tấm biển tên mới dưới cánh cửa cho giám đốc. Ông treo cẩn thận biển tên lên trên cánh cửa phía trong, rồi mới quyết định mở cửa bước ra ngoài.

Đấy, các anh thấy không, – ông nói giọng giáo huấn, – các điều cấm quan trọng đến dường nào. Nếu như cánh cửa này treo biển “Cấm vào” thì tôi chẳng bước vào đây làm gì và tránh được biết bao điều phiền toái khó chịu. Tất cả tai hoạ là ở chỗ không có biển cấm này.

Vừa mới thoát ra được ngoài, giám đốc liền ra lệnh bịt kín lối vào hành lang bất hạnh này.

Thật may phúc, ngài giám đốc còn chưa kịp nghĩ ra việc treo biển “Cấm ra” trong nhà tiêu.

Toàn bộ cơ quan chúng tôi chỗ nào cũng treo nhan nhản những tấm biển cấm không còn một chỗ trống nào. Nếu một hôm nào đó, có ai trong số chúng tôi không về nhà thì gia đình chớ có lo sợ thái quá. Chỉ đơn giản là do chúng tôi bị sa vào cái bẫy cấm kỵ nào đó thôi mà.